Giám Đốc
Quản tài viên
Luật sư - Thạc sĩ
Chủ tịch Hội đồng Thành viên
Quản tài viên
Luật sư - Thạc sĩ
(Chinhphu.vn) – Luật BHXH năm 2014 quy định mọi người tham gia BHXH để được hưởng lương hưu thì phải đảm bảo 2 điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH, trong đó thời gian đóng BHXH phải từ đủ 20 năm trở lên.
Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, cử tri tỉnh Long An phản ánh: Theo quy định tại Điều 50 Luật BHXH, điều kiện để hưởng lương hưu hàng tháng đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường là phải có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; trường hợp đã đủ tuổi hưởng lương hưu (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì được hưởng BHXH một lần với mức hưởng tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 70 Luật BHXH quy định: Trường hợp nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi nhưng thời gian còn thiếu không quá 5 năm so với thời gian quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì được đóng tiếp cho đến khi đủ 20 năm.
Cử tri đề nghị nên kéo dài thời gian đóng BHXH đối với một số trường hợp đủ 55 tuổi (đối với nữ) và 60 tuổi (đối với nam) nhưng số năm đóng BHXH còn thiếu quá 5 năm mà họ có điều kiện tiếp tục tham gia đóng BHXH cho đến khi đủ 20 năm để được hưởng lương hưu mà không phải hưởng trợ cấp BHXH một lần.
Ngoài ra, Luật BHXH (sửa đổi) quy định về chế độ hưu trí có bổ sung quy định lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc mà có đủ từ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, nếu lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì không được bù bằng mức lương cơ sở. Cử tri đề nghị xem xét cho các đối tượng này hưởng bằng mức lương cơ sở để đảm bảo cuộc sống cho họ đến cuối cuộc đời.
Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri như sau:
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu (không giới hạn số năm còn thiếu). Như vậy, kiến nghị của cử tri đã được giải quyết trong Luật BHXH năm 2014.
Luật BHXH năm 2014 quy định mọi người tham gia BHXH để được hưởng lương hưu thì phải đảm bảo 2 điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH, trong đó thời gian đóng BHXH phải từ đủ 20 năm trở lên.
Quy định lao động nữ là người hoạt động không chuyên trách hoặc bán chuyên trách ở cấp xã có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi cũng được hưởng lương hưu là nhằm tạo điều kiện để đối tượng này được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, có xét đến tính chất, đặc thù của nhóm đối tượng này.
Việc cử tri kiến nghị để lao động nữ là người hoạt động không chuyên trách hoặc bán chuyên trách ở cấp xã nêu trên được áp dụng quy định mức lương hưu thấp nhất bằng mức lương cơ sở như các đối tượng khác hưởng lương hưu có từ đủ 20 năm đóng BHXHtrở lên là không đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng, không công bằng với các nhóm đối tượng khác.