Ngày 4/11, tại Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Bộ luật Hình sự 2015 và Luật Tiếp cận thông tin 2016, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long khẳng định hai bộ luật thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng, nhà nước trong thực hiện Hiến pháp 2013 và phòng chống tham nhũng.
Vụ trưởng Pháp luật Hình sự - Hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết Luật Tiếp cận thông tin 2016 cho phép người dân chuyển từ tâm thế "thụ động nhận thông tin" sang có quyền "chủ động tiếp cận thông tin". Việc công khai thông tin chủ động, tích cực sẽ giảm gánh nặng hành chính của việc trả lời những câu hỏi và yêu cầu thông thường của người dân.
Theo luật, công dân được tiếp cận bằng hai cách: tự do vì nhà nước đã công khai và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp. Người nước ngoài cũng bình đẳng tiếp cận mọi thông tin như công dân Việt Nam.
Theo bà, luật đã điều chỉnh để buộc cơ quan nhà nước cung cấp thông tin cho người dân. Tuy nhiên, vùng thông tin mà người dân được quyền tiếp cận rất rộng, còn thông tin bị cấm "là rất nhỏ" nên luật chỉ liệt kê thông tin người dân không được tiếp cận.
Thông tin công dân không được tiếp cận bao gồm: thông tin thuộc bí mật nhà nước (thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực, chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ...); thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.
Luật cũng cho phép tiếp cận những thông tin thuộc diện bí mật song có kèm điều kiện. Chẳng hạn, người dân có thể được nắm thông tin liên quan bí mật kinh doanh nếu chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý. Thông tin liên quan bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình được tiếp cận trong trường hợp người đó, gia đình đó đồng ý.
Thông tin nhà nước phải công khai bao gồm: văn bản quy phạm pháp luật; thông tin hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật, nội dung và kết quả trưng cầu, tiếp thu ý kiến của nhân dân; chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch; thông tin về danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công…
|
Cơ quan nhà nước bắt buộc phải đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử để người dân tiết kiệm chi phí khi tiếp cận, bao gồm: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện...
Vụ trưởng Thoa nhấn mạnh, trong khối các cơ quan hành chính nhà nước, ủy ban nhân dân xã là cấp cơ sở gần người dân nhất. Vì thế để giảm chi phí tiếp cận thông tin cho người dân, Luật quy định ngoài trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra, Ủy ban xã còn có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình nhận được từ cơ quan khác.
Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.
Bộ luật hình sự 2015: Truy lùng tội phạm tham nhũng đến cùng
Ngoài Luật Tiếp cận thông tin, Bộ Tư pháp cũng giới thiệu về Bộ luật Hình sự 2015. Thứ trưởng Tư pháp Lê Tiến Châu cho biết, Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 có nhiều nội dung mới thể hiện chính sách khoan hồng như: hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt chính bằng tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ cũng được mở rộng….
Luật mới không áp dụng hình phạt tử hình với người từ đủ 75 tuổi trở lên và cho phép không thi hành án tử hình với người 75 tuổi trở lên, người bị kết án tử hình về tội tham nhũng nếu chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng...
Tuy nhiên, luật cũng sửa đổi bổ sung các quy định nhằm tăng cường chống tham nhũnm. Tại điều 28 cho phép không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tham ô, nhận hối lộ (thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng) nhằm truy đến cùng.
Điều 61 quy định không áp dụng thời hiệu thi hành bản án hình sự với tội tham ô tài sản, nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Mở rộng một số tội thuộc tham nhũng, các tội phạm về chức vụ ra cả khu vực tư (ngoài nhà nước). Theo đó, người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước mà thực hiện hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ thì cũng bị xử lý về các tội này.
Bộ luật Hình sự 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, và thi hành án với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0h00 ngày 1/1/2018.