Giám Đốc
Quản tài viên
Luật sư - Thạc sĩ
Chủ tịch Hội đồng Thành viên
Quản tài viên
Luật sư - Thạc sĩ
Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với quan điểm Viện kiểm sát là Cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự. Đại biểu Hà Công Long-Gia Lai cho rằng, việc Viện kiểm sát nhân dân tham gia vào quá trình tiến hành tố tụng dân sự là để thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp.
Đại biểu Hà Công Long-Gia Lai Ảnh: Đình Nam
Đại biểu phân tích, thực tiễn xây dựng pháp luật về tố tụng dân sự cho thấy trên cơ sở quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, pháp lệnh, thủ tục giải quyết các vụ án dân sự trước đây và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 ban hành sau khi Quốc hội sửa đổi chức năng của Viện kiểm sát năm 2001, đều quy định vị trí vai trò của Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng chứ không phải cơ quan tham gia tố tụng. Do đó, đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với Điều 42 của dự thảo luật quy định Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng.
Đồng tình với quy định trên, đại biểu Trần Đình Sơn-Đăk Lăk phân tích thêm, trước đây luật không giao cho Viện kiểm sát nhân dân tham gia kiểm sát tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, sau đó Quốc hội thấy cần thiết vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự nên sửa đổi, bổ sung năm 2011. Quốc hội giao cho Viện kiểm sát nhân dân phải tham gia trong tố tụng dân sự để giải quyết một loạt bất cập như: bảo vệ lợi ích công cộng, tài sản công cộng, những người yếu thế...
Điều đó chứng tỏ Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự. Vì bảo vệ lợi ích công cộng và người yếu thế thì Viện kiểm sát nhân dân có những quyền tham gia thu thập chứng cứ... để đảm bảo cho việc bảo vệ của mình trước tòa án.
Về sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân đối với phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, nhiều đại biểu cho rằng, Viện kiểm sát tham gia các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng hoặc có đương sự là người có nhược điểm về thể chất, tâm thần.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa-TP.Hồ Chí Minh Ảnh: Văn Bình
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa-TP.Hồ Chí Minh cho rằng, trách nhiệm của Viện kiểm sát là có chức năng kiểm sát về chấp hành pháp luật trong tố tụng dân sự. Để làm việc đó, Viện kiểm sát có quyền tham dự hay không tham dự phiên tòa nhưng đối với mỗi bản án dân sự thì Viện kiểm sát phải có sự đánh giá về chấp hành pháp luật của tòa án và của các bên đương sự.
Kiểm sát có nhiều cách không nhất thiết phải dự phiên tòa, nhưng có quyền dự nếu thấy cần thiết. Nếu Viện kiểm sát không tham dự thì ý kiến đánh giá phải được gửi đến tòa trước khi tuyên án và lưu giữ trong hồ sơ. Nếu việc tố tụng không có vi phạm gì thì sau đó Viện kiểm sát không được quyền kháng nghị vì bản án có sai sót về áp dụng pháp luật. Tất nhiên, trong quá trình xét xử nếu Viện kiểm sát không dự mà thấy hồ sơ có sai sót thì vẫn có quyền kháng nghị.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Lương Văn Thành-TP Hải Phòng nhấn mạnh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải tham gia các phiên tòa, phiên họp sơ thẩm trong những trường hợp có một bên đương sự hoặc các đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất tâm thần, các tranh chấp về đất đai, nhà ở, tài sản công, lợi ích công cộng…