Đánh giá

Trần Mạnh Xuyền

Giám Đốc
Quản tài viên
Luật sư - Thạc sĩ

Đánh giá

Phùng Thị Lan Phương

Chủ tịch Hội đồng Thành viên
Quản tài viên
Luật sư - Thạc sĩ

Video clips
Liên kết website
Dự báo thời tiết
Thống kê
 
Tin tức - Sự kiện

Luật các nước xử quan chức nhận hối lộ thế nào?

Trung Quốc là một trong số ít quốc gia còn khung tử hình cho quan chức nhà nước nhận hối lộ; ở Mỹ ngoài án tù, bị cáo còn phải nộp phạt gấp 3 số tiền đã nhận.
Luật các nước xử quan chức nhận hối lộ thế nào?

Trung Quốc phát động chiến dịch chống tham nhũng toàn diện từ năm 2012. Theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), cơ quan kiểm soát hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chiến dịch đã điều tra 4,6 triệu người, khởi tố hơn 200.000 quan chức các cấp của chính phủ.

CCDI được thành lập năm 2018, hoạt động như cơ quan giám sát chống tham nhũng với các cấp chính quyền. Luật Giám sát ra đời cùng năm trao cho CCDI quyền điều tra các quan chức tham nhũng, tìm kiếm sự hợp tác quốc tế để dẫn độ các cá nhân liên quan đến các vụ án tham nhũng có thể đã rời khỏi hoặc trốn khỏi Trung Quốc, hoặc tịch thu phong tỏa hoặc tịch thu tài sản ở nước ngoài của họ.

Tội đưa - nhận hối lộ được quy định rất sớm, trong Bộ luật Hình sự 1997. Theo đó, hối lộ có nghĩa là đưa tiền hoặc tài sản cho một công chức đương nhiệm hoặc cựu công chức, hoặc người có liên quan đến công chức đó (người thân hoặc bất kỳ người nào khác có liên quan mật thiết) nhằm mục đích thu lợi bất chính...

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Phó Chính Hoa, bị tuyên tử hình tháng 9/2022 với cáo buộc nhận hối lộ 16,5 triệu USD. Ảnh: SCMP

Cựu bộ trưởng Tư pháp Phó Chính Hoa bị tuyên tử hình tháng 9/2022 với cáo buộc nhận hối lộ 16,5 triệu USD. Ảnh: SCMP

Luật nước này quy định, cán bộ phải giao nộp quà cho chính phủ nếu giá trị của món quà vượt quá 200 nhân dân tệ (660.000 đồng) mỗi lần; hoặc tổng giá trị của tất cả món quà một năm mà công chức nhận được vượt quá 600 nhân dân tệ (2 triệu đồng).

Nói cách khác, nếu một người tặng cho công chức nhà nước món quà hoặc những món quà có tổng giá trị vượt quá các giới hạn nêu trên, đều bị coi là vi phạm quy định nội bộ Đảng.

Để bị truy tố, số tiền đưa - nhận hối lộ tối thiểu là 30.000 tệ (99 triệu đồng). Ở một số trường hợp cá biệt, quan chức vẫn có thể bị truy tố, với tiền tang vật chỉ cần trên 10.000 nhân dân tệ, nếu mục đích của hối lộ là để được thăng tiến hoặc thay đổi vị trí công việc; hối lộ quan chức phụ trách quản lý thực phẩm, dược phẩm, an toàn sản xuất hoặc bảo vệ môi trường; hối lộ quan chức tư pháp để ảnh hưởng đến công lý tư pháp; hối lộ cho hơn ba người, hoặc gây ra thiệt hại kinh tế 500.000 đến một triệu nhân dân tệ...

Các quan chức nhận hối lộ với lượng tài sản lớn, hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, có thể bị phạt cao nhất là tử hình. Những người thân quen, gia đình quan chức này, cũng có thể bị phạt tới 15 năm tù nếu nhận hối lộ thay.

Một số quan chức Trung Quốc bị phạt tử hình gần đây có thể kể đến cựu thứ trưởng Công an Tôn Lập Quân (nhận hối lộ 91 triệu USD từ 2001-2020); cựu Bộ trưởng Tư pháp Phó Chính Hoa, bị tuyên tử hình tháng 9/2022 với số tiền nhận hối lộ hơn 16 triệu USD; Lại Tiểu Dân, cựu Chủ tịch Công ty Quản lý tài sản nhà nước Hoa Dung nổi tiếng với biệt danh "quan tham trữ 3 tấn tiền trong nhà" (nhận hối lộ 260 triệu USD), đã bị hành quyết 29/1/2021; hay mới nhất, ngày 26/7 vừa qua, cựu Bí thư Thành ủy Hàng Châu Chu Giang Dũng vừa bị tuyên tử hình với cáo buộc nhận hối lộ 25,5 triệu USD...

 

Tổ chức Minh bạch Quốc tế định nghĩa tham nhũng là "lạm dụng chức vụ công để hưởng tư lợi". Từ năm 1995, Tổ chức này mỗi năm đều thực hiện nghiên cứu và xếp hạng 180 quốc gia, vùng lãnh thổ để đưa ra một bức tranh tham nhũng toàn cầu: Chỉ số nhận thức tham nhũng Corruption Perceptions Index (CPI).

Với thang điểm từ 0 đến 100, trong đó số 0 là tham nhũng cự cao và 100 là rất trong sạch, năm 2022, chỉ số trung bình toàn cầu là 43.

9 trong 10 nước đạt điểm cao nhất thế giới, đều là các quốc gia phương Tây. Singapore, với 83 điểm, là ngoại lệ duy nhất của châu Á, xếp thứ 5 toàn cầu về độ chính quyền trong sạch.

Top đầu bẳng và cuối bảng về chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2022. Theo: CPI

Top đầu bảng và cuối bảng về chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2022. Theo: CPI

Pháp lệnh Phòng chống Tham nhũng của Singapore ra đời từ năm 1937 đã quy định về tội đưa - nhận hối lộ. Luật chống tham nhũng (PCA) năm 1960 kế thừa và điều chỉnh, theo đó, hối lộ là việc đưa ra hoặc hứa hẹn tặng quà cho công chức dưới dạng tiền tệ hoặc phi tiền tệ để đổi lấy lợi ích.

Theo PCA, quan chức nhận hối lộ có thể bị phạt tiền lên tới 100.000 SGD (75.000 USD) hoặc phạt tù lên tới 5 năm hoặc cả hai. Nếu quan chức nhận hối lộ là một thành viên của Quốc hội, hình phạt cao nhất là phạt tiền 100.000 SGD hoặc phạt tù lên tới 7 năm hoặc cả hai.

Khi bị kết án, tòa cũng sẽ buộc công chức đó phải trả lại toàn bộ tiền đã nhận hối lộ.

Mỹ, với 67 điểm, xếp ở vị trí thứ 25 trong công bố CPI năm 2022. Từ những ngày đầu lập quốc, năm 1776, Hiến pháp đã quy định tổng thống, phó tổng thống và tất cả các quan chức dân sự của nước này sẽ bị cách chức khi bị luận tội vì nhận hối lộ. Nhận hối lộ, khi này thậm chí được liệt kê trong số các tội danh phản quốc.

Hình phạt về tội nhận hối lộ sẽ được các bang tự quy định, song luật liên bang định nghĩa, hành vi nhận hối lộ là việc một công chức trực tiếp hoặc gián tiếp yêu cầu, tìm kiếm, nhận, chấp nhận hoặc đồng ý nhận bất cứ thứ gì có giá trị để gây tác động lên hành vi công vụ, nhằm thực hiện hoặc hỗ trợ hoặc cho phép hành vi gian lận nào, hoặc bỏ qua bất kỳ hành động nào vi phạm chức trách nhiệm vụ.

Công chức nhận hối lộ bị phạt tiền gấp ba lần giá trị của hối lộ và phạt tù tới 15 năm. Hình phạt bổ sung khi mãn hạn tù, là công chức đó sẽ không được đảm nhận bất kỳ chức vụ danh dự nào ở nước Mỹ đến hết đời.

Song do Mỹ là quốc gia đa đảng và việc quyên góp cho hoạt động chính trị không bị cấm, miễn là đúng luật và đúng quy định về tài chính vận động tranh cử của liên bang và tiểu bang, nhằm tránh núp bóng những khoản "quyên góp" để đưa hối lộ.

Luật tài trợ vận động tranh cử Đạo luật Chiến dịch Bầu cử Liên bang quy định, một chiến dịch không được nhận quá 100 USD tiền mặt từ một nguồn cụ thể đối với bất kỳ chiến dịch vận động bầu cử vào văn phòng liên bang; khoản đóng góp ẩn danh bằng tiền mặt được giới hạn ở mức 50 USD. Bất kỳ số tiền nào vượt quá 50 USD phải được xử lý ngay lập bằng cách sử dụng vào mục đích khác, không phải là tranh cử; nếu đóng góp bằng hiện vật, sẽ được quy ra tiền và tuân theo 2 quy tắc trên...

Giới hạn đóng góp cho các cuộc bầu cử liên bang 2023-2024. Theo: Federal Election Commission

Giới hạn đóng góp cho các cuộc bầu cử liên bang 2023-2024. Theo: Federal Election Commission

Đan Mạch đã liên tục kể từ năm 1995 được Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng là một trong 4 quốc gia ít tham nhũng nhất trên thế giới. Năm 2022, theo bảng xếp hạng, đây là quốc gia có nền chính trị trong sạch nhất thế giới.

Nhiều yếu tố lịch sử có thể được coi là góp phần làm giảm mức độ tham nhũng, hối lộ ở Đan Mạch. Đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp trừng phạt hình sự rất nghiêm khắc đối với hành vi đưa/nhận hối lộ quan chức nhà nước, ngay từ thế kỷ 17.

Năm 1676-1813, Đan Mạch trải qua một vụ vỡ nợ quốc gia, hậu quả của việc lạm dụng công quỹ. Vua Frederik thứ 6 không thể chấp nhận việc các quan chức lũng đoạn, quyết định bỏ tù chung thân tất cả kẻ nhận hối lộ.

Ngày nay, chìa khóa của một nhà nước Đan Mạch trong sạch không còn nằm ở hình phạt mà chủ yếu do thu nhập cao (thu nhập bình quân đầu người 71.000 USD/năm, cao thứ 11 thế giới); chính quyền minh bạch thông tin, công dân được tiếp cận thông tin rộng rãi, từ đó giảm thiểu cơ hội tham nhũng.

Đan Mạch là thành viên của nhiều công ước về chống tham nhũng như Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Công ước hình sự về tham nhũng của Hội đồng châu Âu và Nhóm các quốc gia chống tham nhũng (GRECO)...

Bộ luật Hình sự Đan Mạch quy định, đưa hối lộ là hành vi một người trao, hứa hẹn hoặc đề nghị một cách không chính đáng một người khác đang thực hiện chức năng hoặc cơ quan công quyền để khiến người đó làm hoặc không làm nhiệm vụ của họ.

Quan chức nhận hối lộ có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù đến sáu năm, bị tịch thu tài sản phạm tội.

Hải Thư (Theo OECD, UNOCD, Britanica, Justice, Xinghua)

Các tin khác

Xem tiếp
nothing