Đánh giá

Trần Mạnh Xuyền

Giám Đốc
Quản tài viên
Luật sư - Thạc sĩ

Đánh giá

Phùng Thị Lan Phương

Chủ tịch Hội đồng Thành viên
Quản tài viên
Luật sư - Thạc sĩ

Video clips
Liên kết website
Dự báo thời tiết
Thống kê
 
Tin tức

PHÁP LUẬT VỀ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT PHÁ SẢN - THỰC TRẠNG, KIẾN NGHỊ

PHÁP LUẬT VỀ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT PHÁ SẢN - THỰC TRẠNG, KIẾN NGHỊ

 ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP

TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

 

Chuyên đề:

 

PHÁP LUẬT VỀ THỦ TỤC 

GIẢI QUYẾT PHÁ SẢN -THỰC TRẠNG VÀ KIẾN NGHỊ

 

HÀ NỘI, THÁNG 10 NĂM 2013

 

---------------------------------------------------------------------------------------

 

 

MỤC LỤC

 

Nội dung

Trang

 

LỜI MỞ ĐẦU

2

I.

NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP CỦA PHÁP LUẬT VỀ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ Ở NƯỚC TA TRONG THỜI GIAN QUA

4

1.

Về thủ tục nộp đơn và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

4

2.

Về thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh

8

3.

Về thủ tục thanh lý tài sản

10

4.

Về thủ tục tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

12

II.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN LUẬT PHÁ SẢN

13

1.

Về thủ tục nộp đơn, thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

13

2.

Về thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh

14

3.

Về thủ tục thanh lý tài sản

14

4.

Về thủ tục tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

15

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

18

 

LỜI MỞ ĐẦU 

Luật Phá sản được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15/6/2004, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2004. Luật Phá sản ra đời đánh dấu một bước phát triển mới trong hoạt động lập pháp nói chung và pháp luật về kinh doanh nói riêng. Luật Phá sản là một trong những công cụ pháp lý quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong việc tiếp tục thể chế hóa chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước ta; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đang trong tình trạng sản xuất, kinh doanh khó khăn, thua lỗ có cơ hội để rút khỏi thị trường một cách có trật tự, góp phần tái phân phối tài sản; thúc đẩy sự lưu thông vốn trong nền kinh tế thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và các chủ nợ. Đồng thời, Luật Phá sản cũng là  sở pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Tòa án nhân dân giải quyết hậu quả pháp lý của các DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản.

Song, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì trong quá trình áp dụng Luật Phá sản vào thực tiễn vẫn còn một số vấn đề vướng mắc, bất cập như: Còn hạn chế về nhận thức về mặt ưu thế, tích cực của các quy định pháp lý, các thủ tục phá sản, của việc thực hiện các quy định của Luật Phá sản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản có thể thực hiện việc phá sản; số lượng các đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được Tòa án thụ lý để giải quyết trong gần 8 năm qua là chưa phản ánh đúng thực tiễn nền kinh tế và với số lượng các DN, HTX đã ngừng hoạt động trên thực tế; việc giải quyết các yêu cầu phá sản còn bị kéo dài và không dứt điểm được. Một trong những nguyên nhân đó là quy định của pháp luật và việc thực hiện các quy định về thủ tục giải quyết phá sản còn những hạn chế, vướng mắc, dẫn đến việc thực thi trong thực tiễn còn bất cập.

Với mục đích góp phần cung cấp thêm những thông tin tham khảo về thủ tục giải quyết phá sản phục vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Phá sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII vào tháng 10/2013, Chuyên đề nghiên cứu này sẽ tập trung vào những nội dung sau đây:

- Quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết phá sản và những hạn chế, bất cập từ thực tiễn thi hành các quy định về thủ tục giải quyết phá sản;

- Một số đề xuất, kiến nghị nhằm sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản năm 2004.


I. NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP CỦA PHÁP LUẬT VỀ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT PHÁ SẢN DN, HTX Ở NƯỚC TA TRONG THỜI GIAN QUA 

1. Về thủ tục nộp đơn và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Thứ nhất, quy định về Doanh nghiệp, hợp tác xã (sau đây viết tắt là DN, HTX) lâm vào tình trạng phá sản còn quá chung chung, chưa mang tính định lượng, chưa phản ánh đúng thực trạng tài chính của doanh nghiệp nên việc thực hiện còn lúng túng, thiếu thống nhất và chưa chính xác DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản.

- Điều 3 Luật Phá sản quy định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”. Ngoài ra, chưa có quy định cụ thể để giải thích “không có khả năng thanh toán” là vì lí do gì, trong thời hạn bao lâu, giá trị các khoản thanh toán là bao nhiêu hay “các khoản nợ đến hạn” là một, một số hay tất cả các khoản, là quá hạn bao lâu… Quy định này dẫn đến hai trường hợp sau:

Có không ít DN, HTX dù không thua lỗ nhưng vẫn bị yêu cầu tuyên bố phá sản vì bị coi là không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn; trong khi đó, bản thân DN, HTX này lại là chủ nợ với số tiền lớn hơn số nợ phải thanh toán cho các chủ nợ yêu cầu tuyên bố phá sản”[1]. Điều này, làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và hoạt động kinh doanh của DN, HTX bị yêu cầu tuyên bố phá sản. Thậm chí lại là nguyên nhân chính dẫn đến làm ăn thua lỗ sau đó và phải phá sản “thật”.

Ngược lại, một DN, HTX sẽ không bị xác định là lâm vào tình trạng phá sản nếu chỉ không thanh toán được một khoản nợ đến hạn mà giá trị của một khoản nợ này là rất lớn so với giá trị của DN, HTX. Điều này là chưa hợp lý để DN, HTX có trách nhiệm hoặc chủ nợ khoản nợ đó có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

- Bên cạnh đó, Nghị quyết số 03/2005/NQ-HĐTP ngày 28/4/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao dù đã hướng dẫn về “doanh nghiệp bị coi là lâm vào tình trạng phá sản”; trong đó có quy định các tiêu chí, điều kiện để xác định doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng phá sản nhưng cũng chưa thật cụ thể, rõ ràng dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất. Cụ thể:

Tiểu mục 2.1 mục 2 phần I Nghị quyết quy định các điều kiện sau “Có các khoản nợ đến hạn. Các khoản nợ đến hạn phải là các khoản nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần (chỉ tính phần không có bảo đảm) đã rõ ràng được các bên xác nhận, có đầy đủ các giấy tờ, tài liệu để chứng minh và không có tranh chấp; Chủ nợ đã có yêu cầu thanh toán, nhưng doanh nghiệp không có khả năng thanh toán. Yêu cầu của chủ nợ thanh toán các khoản nợ đến hạn phải có căn cứ chứng minh là chủ nợ đã có yêu cầu, nhưng không được doanh nghiệp, hợp tác xã thanh toán như văn bản đòi nợ của chủ nợ, văn bản khất nợ của doanh nghiệp...”.

Trên thực tế, một số Tòa án địa phương cho rằng, các khoản nợ đến hạn “phải là các khoản nợ không có tranh chấp” chỉ phù hợp trong trường hợp cả DN, HTX và chủ nợ cùng có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Còn đối với trường hợp chỉ có DN, HTX nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, nhưng trước đó chủ nợ đã nộp đơn yêu cầu Tòa án buộc DN, HTX trả khoản nợ đó theo thủ tục tố tụng dân sự thì Tòa án từ chối thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của DN, HTX để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Nhưng cũng có Tòa án lại thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của doanh nghiệp, vì xác định các khoản nợ đó không hề có tranh chấp giữa DN, HTX và chủ nợ. Tuy nhiên, sau khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì việc giải quyết vụ án mà chủ nợ đã khởi kiện sẽ bị tạm đình chỉ theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Phá sản.

Thứ hai, quy định về quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ là chưa hợp lý, chưa bảo đảm quyền của chủ nợ có bảo đảm trong việc sử dụng cơ chế phá sản.

Khoản 1 Điều 13 Luật Phá sản quy định “Khi nhận thấy doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thì các chủ nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần đều có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó”. Như vậy, chủ nợ có bảo đảm không được quyền nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản (vì cho rằng, lợi ích của họ đã được bảo đảm bằng tài sản thế chấp, cầm cố của DN, HTX hay của người thứ ba nên DN, HTX có bị tuyên bố phá sản hay không thì lợi ích của họ vẫn được bảo đảm). Quy định này làm “mất đi một phương thức đòi nợ” là phá sản của chủ nợ - một phương thức đôi khi an toàn hơn, hiệu quả hơn so với phương thức đòi nợ hiện nay là phát mại tài sản.

Thứ ba, quy định về nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản còn chưa hợp lý, thiếu chặt chẽ, cụ thể nên còn tình trạng Tòa án không có đủ căn cứ để từ chối thụ lý đơn yêu cầu của DN, HTX, cho dù có đơn tố cáo DN, HTX đó cố tình nộp đơn để chiếm đoạt tài sản.

Theo quy định tại Điều 15 Luật Phá sản[2], khi chủ DN, HTX hoặc đại diện hợp pháp của DN, HTX nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, phải nộp kèm theo một số giấy tờ, tài liệu; trong đó, có báo cáo tài chính của DN, HTX (Khoản 4). Tuy nhiên, trong tất cả các loại hình DN, HTX thì Luật Phá sản chỉ quy định nghĩa vụ này đối với công ty cổ phần mà không quy định với tất cả loại hình DN, HTX. Vì vậy, khi nhận đơn của các DN không phải là công ty cổ phần, Tòa án không có điều kiện để xác minh ngay về tình trạng tài chính của DN, HTX là đã mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn hay không “để từ chối thụ lý đơn của doanh nghiệp, kể cả trong trường hợp Tòa án nhận được đơn tố cáo doanh nghiệp đó cố tình nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản để chiếm đoạt tài sản vay của người khác”[3].

Thứ tư, quy định về nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản của người lao động còn phức tạp, chưa bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Tại Điều 14 Luật Phá sản quy định “Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không trả được lương, các khoản nợ khác cho người lao động và nhận thấy doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thì người lao động cử người đại diện hoặc thông qua đại diện công đoàn nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó”.

Trong trường hợp, DN, HTX nợ lương, nợ Bảo hiểm xã hội và các khoản nợ khác của người lao động thì người lao động được xem như là chủ nợ không có bảo đảm. Vì vậy, họ phải có các quyền, nghĩa vụ như chủ nợ không bảo đảm. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 14 Luật Phá sản thì người lao động không được tự nộp đơn. Trong khi đó, việc cử người đại diện cho người lao động trên thực tế là không hề đơn giản.

Thứ năm, Luật Phá sản chưa có quy định về thủ tục giải quyết thủ tục phá sản trong trường hợp vắng mặt người đại diện hợp pháp của DN, HTX.

Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9 Luật Phá sản, thành phần Tổ quản lý, thanh lý tài sản phải có Đại diện hợp pháp của DN, HTX bị mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, trên thực tế, do nhiều lý do mà đại diện hợp pháp của DN, HTX không có mặt. Trong trường hợp này, Tòa án không thể ra quyết định thành lập Tổ Quản lý, thanh lý tài sản và không đủ điều kiện để Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (Tòa án áp dụng khoản 5 Điều 24 Luật Phá sản để trả lại đơn). Điều  này dẫn đến tình trạng vụ việc giải quyết phá sản không thể giải quyết.

Thứ sáu, quy định về thời hạn để Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản là chưa hợp lý dẫn đến tình trạng vi phạm thời gian và tính chính xác của quyết định.

Theo Điều 28 Luật Phá sản quy định “Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Toà án phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản” (Khoản 1). Thời hạn này là quá ngắn (vì kể cả ngày nghỉ, lễ) đối với một số vụ việc phức tạp, khi đó “trước khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, Tòa án có thể triệu tập phiên họp với sự tham gia của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, cá nhân, tổ chức có liên quan để xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản” (Khoản 2).

Thứ bảy, quy định về tạm ứng phí phá sản từ ngân sách nhà nước còn chưa được quy định cụ thể nên trong một số trường hợp, thủ tục giải quyết phá sản không thể tiến hành.

Thực tế cho thấy, để tiến hành thủ tục giải quyết phá sản đòi hỏi phải có những chi phí cho đăng báo, định giá và bán đấu giá tài sản, bảo vệ, duy trì tài sản của DN, HTX, phát hiện, xác minh, thu hồi tài sản của DN, HTX... Trường hợp, người yêu cầu mở thủ tục phá sản không có tiền, DN, HTX bị yêu cầu mở thủ tục phá sản có tài sản nhưng không thể bán đấu giá ngay được, thì được ngân sách nhà nước tạm ứng phí phá sản. Tuy nhiên, những quy định có liên quan tại Điều 21 Luật Phá sản Nghị quyết số 03/2005/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao còn quá chung chung nên rất khó thực hiện. Ví dụ: Theo Khoản 2 Điều 21 Luật Phá sản, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được tạm ứng tiền từ ngân sách nhà nước khi “có các tài sản khác”. Nhưng không có hướng dẫn cụ thể “tài sản khác” có giá trị tối thiểu bao nhiêu, có cần xác định tính thanh khoản của tài sản này hay không và tạm ứng từ nguồn NSNN nào...

2. Về thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh

Thứ nhất, quy định về nội dung, giá trị pháp lý của Hội nghị chủ nợ chưa đề cao quyền “tự quyết” của DN, HTX và chủ nợ trong việc áp dụng thủ tục thanh toán hoặc áp dụng thủ tục tuyên bố DN, HTX bị phá sản nên chưa tạo được sự linh hoạt, mềm dẻo và phù hợp với thực trạng tài chính của DN, HTX.

Các quy định có liên quan tại Điều 50, Điều 61 và Điều 64 của Luật Phá sản, việc triệu tập Hội nghị chủ nợ là bắt buộc trước khi Tòa án ra các quyết định về việc áp dụng các thủ tục phục hồi hoặc thủ tục thanh toán hoặc thủ tục tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản. Về mặt bản chất, việc đưa ra quyết định cuối cùng về các vấn đề liên quan do DN, HTX đề nghị và chủ nợ tại Hội nghị chủ nợ quyết định. Tuy nhiên, Điều 64 Luật Phá sản không đề cập đến quyền đề xuất của chủ nợ về việc áp dụng thủ tục thanh toán hoặc áp dụng thủ tục tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản tại Hội nghị chủ nợ. Nếu cho phép chủ nợ, thậm chí cả DN, HTX có những quyền hạn này, thì tiến trình giải quyết việc phá sản sẽ linh hoạt, hiệu quả hơn.

Thứ hai, các quy định có liên quan đến thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của DN, HTX còn thiếu cụ thể nên chưa phát huy được hiệu quả trên thực tế.

Các quy định có liên quan đến phục hội hoạt động kinh doanh của DN, HTX được thể hiện tại các điều từ Điều 72 đến Điều 76 của Luật Phá sản còn khá đơn giản, chưa đề cập đến nhiều vấn đề khác như: cách thức thực hiện việc giám sát của chủ nợ đối với việc thực hiện phương án phục hồi kinh doanh; quyền hạn của Tòa án, của chủ nợ khi giám sát mà phát hiện DN, HTX thực hiện không đúng hoặc không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh; cách thức thông qua việc sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của DN, HTX; việc giải quyết các vụ kiện mà DN, HTX là bị đơn; yêu cầu thi hành án dân sự mà DN, HTX là người phải thi hành án; về việc giải quyết quyền lợi của chủ nợ mới phát sinh trong giai đoạn doanh nghiệp tiến hành phương án phục hồi khi Tòa án chuyển sang áp dụng thủ tục thanh lý tài sản hoặc tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản...[4]

3. Về thủ tục thanh lý tài sản

Thứ nhất, còn thiếu quy định về thanh lý tài sản trong nội dung của “Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất” nên vừa hạn chế quyền của DN, HTX và của chủ nợ, vừa giảm tính linh động trong thủ tục giải quyết phá sản để có thể rút ngắn thời gian, trong một số trường hợp.

Theo Khoản 1 Điều 64 Luật Phá sản, Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất chỉ tập trung bàn về “phương án, giải pháp tổ chức lại hoạt động kinh doanh, khả năng và thời hạn thanh toán nợ” chứ không bàn về “phương án thanh lý tài sản”. Thủ tục thanh lý tài sản chỉ được Tòa án áp dụng sau khi có Nghị quyết Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất mà DN, HTX không xây dựng được phương án phục hồi kinh doanh trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất thông qua Nghị quyết (Điều 80). Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, có không ít trường hợp ngay tại Hội nghị lần thứ nhất, cả DN, HTX và chủ nợ đều “mong muốn” bỏ qua “phương án phục hồi kinh doanh” và bàn ngay “phương án giải quyết khoản nợ bằng việc kiến nghị áp dụng thủ tục thanh lý hoặc thủ tục tuyên bố DN, HTX bị phá sản”. Như vậy, nếu pháp luật cho phép, trong một số trường hợp, thủ tục thanh lý tài sản được tiến hành ngay và thời gian giải quyết phá sản có thể rút ngắn công đoạn.

Thứ hai, quy định về tổ chức, hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản chưa hợp lý ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ thanh lý tài sản.

Theo khoản 2 Điều 9 Luật Phá sản, thành phần của Tổ quản lý, thanh lý tài sản gồm nhiều thành viên theo tính đại diện nên hầu hết đều kiêm nhiệm và “trái” chuyên môn. Trong đó, vai trò của Chấp hành viên là rất lớn nhưng do hoạt động kiêm nhiệm và phải thực hiện nhiều công việc nằm ngoài khả năng chuyên môn (như: thống kê, xác định phần giá trị tài sản còn lại của đơn vị để phục vụ cho việc xem xét khôi phục lại hoạt động của DN, HTX trong cuộc họp Hội nghị chủ nợ và xử lý tài sản để thi hành án trong trường hợp có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án; thực hiện giám sát, kiểm tra việc sử dụng tài sản của DN, HTX...) nên chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công việc. Đồng thời, với cơ chế làm việc tập thể, quyết định theo đa số thì tính chuyên môn hóa sẽ thấp và việc xác định trách nhiệm cá nhân là rất khó.

Thứ ba, các quy định về thu hồi nợ còn thiếu triệt để, chưa có quy định về xóa nợ trong một số trường hợp nên việc giải quyết phá sản bị kéo dài, thiếu triệt để.

Trên thực tế, nguyên nhân của tình trạng khả năng thu hồi nợ thấp ngoài việc người mắc nợ không muốn trả nợ thì không ít trường hợp, không có khả năng tài chính để trả nợ hay không xác định được địa chỉ mới của người mắc nợ. Tuy nhiên, do pháp luật chưa có những quy định để giải quyết những trường hợp này nên không thể chấm dứt vụ việc[5].

Thứ tư, còn thiếu các quy định cụ thể để kết thúc thủ tục phá sản, ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản và ra quyết định tuyên bố phá sản.

Theo quy định tại Điều 85 Luật Phá sản thì Tòa án chỉ ra quyết định thanh lý tài sản và quyết định tuyên bố DN, HTX bị phá sản khi nào thu hồi hết nợ và thanh lý bán hết tài sản của DN, HTX, phương án phân chia tài sản đã thực hiện xong. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít trường hợp DN, HTX vẫn còn tài sản nhưng không bán được hoặc còn khoản nợ phải thu nhưng chưa thu hồi được nên phương án phân chia tài sản chưa được thực hiện xong[6], kéo theo là không thể kết thúc thủ tục phá sản; chưa thể ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản và ra quyết định tuyên bố phá sản được.

Bên cạnh đó, việc thanh lý tài sản của DN, HTX là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cũng còn không ít vướng mắc, không chỉ là nguyên nhân dẫn đến kéo dài thủ tục giải quyết phá sản mà còn ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của chủ nợ, con nợ.

Ví dụ: Khi doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản mà trong tài sản có đất thuê của UBND cấp tỉnh trả tiền hàng năm. Khi đó, UBND cấp tỉnh sẽ thu hồi diện tích đất thuê theo khoản 2 Điều 38 Luật Đất đai. Phần giá trị còn lại trên đất được định giá và trả lại tiền cho DN phá sản theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 181/2004/NĐCP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai. Nhưng tài sản trên đất chỉ được định giá để thu hồi nợ mà không được đưa ra bán đấu giá, đồng thời, do không thể tách rời giữa tài sản trên đất và quyền sử dụng đất nên giá trị giảm sút rất nhiều (từ nhà xưởng sản xuất có thể thành phế liệu) làm ảnh hướng tới lợi ích của DN.

4. Về thủ tục tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

Thứ nhất, quy định về chuyển từ thủ tục phục hồi sang thủ tục tuyên bố DN, HTX bị phá sản còn chưa cụ thể.

Theo Điều 5 Luật Phá sản có quy định cho phép Tòa án chuyển từ áp dụng thủ tục phục hồi sang thủ tục tuyên bố DN, HTX bị phá sản, nhưng chưa quy định cụ thể điều kiện, thủ tục, trình tự thực hiện việc chuyển đổi áp dụng thủ tục này.

Thứ hai, quy định việc ra quyết định tuyên bố DN, HTX bị phá sản đồng thời với việc ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản là chưa hợp lý.

Điều 86 Luật Phá sản quy định Thẩm phán ra quyết định tuyên bố DN, HTX bị phá sản đồng thời với việc ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản. Như vậy, Tòa án sẽ không thể ra tuyên bố DN, HTX phá sản nếu phương án phân chia tài sản chưa được thực hiện xong, cho dù giá trị tài sản là bao nhiêu. Quy định này có thể dẫn đến nhiều vụ việc Tòa án không thể chấm dứt tiến trình tố tụng phá sản, phải kéo dài thậm chí không có điểm dừng.

Thứ ba, quy định về nghĩa vụ tài sản sau khi có quyết định tuyên bố DN, HTX bị phá sản còn quá chung chung nên rất khó thực hiện.

Theo Điều 90 Luật Phá sản quy định “Quyết định tuyên bố DN, HTX bị phá sản không miễn trừ nghĩa vụ về tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh đối với chủ nợ chưa được thanh toán nợ, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Trong khi đó, lại chưa quy định cụ thể về “thỏa thuận khác” và “pháp luật có quy định khác”. 

II. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN LUẬT PHÁ SẢN

1. Về thủ tục nộp đơn, thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 3 Luật Phá sản để xác định DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản theo hướng quy định cụ thể các tiêu chí, định lượng hóa và gắn với nguyên nhân, thực trạng tình hình tài chính của DN, HTX.

Điều quan trọng là cần xác định được khả năng thanh toán nợ của DN, HTX chứ không phải là số lượng các khoản nợ mà DN, HTX không có khả năng trả. Một khoản nợ phải trả khi đến hạn và có yêu cầu thanh toán mà việc trả nợ đó có thể dẫn đến DN, HTX không còn tài sản và khoản nợ đó vẫn không được trả hết, thì cần phải xác định đó là dấu hiệu DN, HTX mất khả năng thanh toán.

Thứ hai, nghiên cứu bổ sung quy định tại Điều 13 về quyền của chủ nợ có bảo đảm trong việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Thứ ba, quy định cụ thể tại Điều 14 về cơ chế thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người lao động thông qua cơ chế cử người đại diện hoặc thông qua đại diện công đoàn; nghiên cứu bổ sung quy định về quyền trực tiếp nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người lao động (có thể về quy trình, thủ tục hoặc số lượng người lao động trực tiếp nộp đơn).

Thứ tư, bổ sung vào Điều 15 quy định tất cả các loại hình DN, HTX phải áp dụng biện pháp kiểm toán tài sản trước khi DN, HTX đó nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nhằm tạo điều kiện cho Tòa án có căn cứ xem xét khách quan yêu cầu của DN, HTX, tránh trường hợp DN, HTX lạm dụng vay nợ rồi nộp đơn yêu cầu tuyên bố DN, HTX bị phá sản để chiếm đoạt tài sản của chủ nợ.

Thứ năm, bổ sung quy định thủ tục giải quyết vắng mặt người đại diện hợp pháp của DN, HTX.

Thứ sáu, quy định cụ thể hơn tại Điều 21 về phí phá sản và tạm ứng phí phá sản.

2. Về thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh

Thứ nhất, Luật Phá sản cần quy định mở rộng hơn nội dung Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất theo hướng bao gồm cả nội dung về thủ tục thanh toán hoặc thủ tục tuyên bố phá sản. Điều này không chỉ đề cao vai trò và ý chí của chủ nợ, con nợ mà còn giúp việc giải quyết các vụ việc phá sản linh động hơn.

Thứ hai, bổ sung quy định về việc giải quyết quyền lợi của chủ nợ mới phát sinh trong giai đoạn DN, HTX tiến hành phương án phục hồi như quy định về những giao dịch kinh doanh, giao dịch dân sự mà DN, HTX được tiến hành; về việc giải quyết các vụ kiện mà DN, HTX là bị đơn; yêu cầu thi hành án dân sự mà DN, HTX là người phải thi hành án…

Thứ ba, cần có những quy định cụ thể về việc Tòa án quyết định chuyển từ áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh sang áp dụng thủ tục thanh lý tài sản, các khoản nợ hoặc tuyên bố DN, HTX bị phá sản như: quy định rõ điều kiện, trình tự, thủ tục áp dụng để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến trình tố tụng phá sản tại Tòa án và quy định doanh nghiệp có quyền yêu cầu Toà án áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh hay thủ tục thanh lý ngay từ khi nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản.

3. Về thủ tục thanh lý tài sản

Thứ nhất, Luật Phá sản cần bổ sung quy định tại Điều 49 (về tài sản của DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản) một số loại tài sản, quyền tài sản mà con nợ có được sau ngày mở thủ tục phá sản như: Tài sản và quyền tài sản được thu hồi từ các giao dịch không công bằng của con nợ; Tài sản và quyền tài sản có được do thu hồi từ các giao dịch vô hiệu của con nợ; Tài sản và quyền tài sản có được do chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh trong công ty hợp danh thừa kế; Tài sản và quyền tài sản có được sau ngày mở thủ tục phá sản.

Thứ hai, bổ sung quy định về xóa nợ cho DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản trong một số trường hợp đặc biệt như DN, HTX đã ngừng hoạt động kinh doanh, giải thể hoặc không thể xác định được nơi cư trú, làm việc....

 

Thứ ba, cần có quy định cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện việc chuyển từ áp dụng thủ tục phục hồi sang thủ tục thanh lý tài sản của DN, HTX nhằm đẩy nhanh quá trình giải quyết việc phá sản tại Tòa án, cụ thể là: bổ sung điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện việc chuyển từ áp dụng thủ tục phục hồi sang thủ tục thanh lý tài sản của DN, HTX; cả chủ nợ và DN, HTX đều có quyền đề xuất áp dụng thủ tục thanh toán tại Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất tùy thuộc vào tình trạng tài chính của DN, HTX; cả chủ nợ và DN, HTX đều có quyền đề nghị lựa chọn DN, HTX được tiến hành việc phục hồi kinh doanh hoặc DN, HTX phải tiến hành thủ tục thanh toán hoặc DN, HTX phải bị tuyên bố phá sản ngay.

Thứ tư, Luật Phá sản cũng cần có quy định Tòa án có thể ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý và tuyên bố DN, HTX bị phá sản ngay khi phát hiện thấy DN, HTX không còn tài sản để thu hồi mà không cần thiết phải quy định Tòa án áp dụng thủ tục thanh lý rồi mới tuyên bố đình chỉ áp dụng thủ tục thanh lý tài sản.

4. Về thủ tục tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

Thứ nhất, cần quy định rõ điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện việc chuyển đổi áp dụng thủ tục phục hồi sang thủ tục tuyên bố DN, HTX bị phá sản. Vì Luật Phá sản quy định việc tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản sẽ không được thực hiện chừng nào việc bán tài sản còn chưa kết thúc đã gây khó khăn cho việc chấm dứt quá trình tố tụng phá sản tại Tòa án. Do đó, cần quy định Tòa án tuyên bố DN, HTX bị phá sản cho dù phương án phân chia tài sản chưa được thực hiện xong.

Có ý kiến cho rằng nên quy định để Tòa án ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản và tuyên bố DN, HTX bị phá sản trong trường hợp không bán được tài sản của DN, HTX hoặc không thu hồi được nợ cho DN, HTX theo hướng sau:

- Nếu đã thông báo công khai 3 lần vẫn không có người đăng ký mua tài sản của DN, HTX thì Tổ quản lý, thanh lý tài sản cho gán nợ với các chủ nợ của DN, HTX theo thỏa thuận của các chủ nợ (đấu giá giữa các chủ nợ). Nếu vẫn không có chủ nợ nào đồng ý nhận tài sản để trừ nợ thì coi như DN. HTX không còn tài sản để thanh lý và Tòa án ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản và tuyên bố DN, HTX bị phá sản theo quy định.

- Nếu quá thời hạn 1 năm kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản mà vẫn còn khoản nợ chưa thu hồi được cho DN, HTX thì Tòa án vẫn ra quyết định tuyên bố DN, HTX bị phá sản. Trường hợp sau đó có khoản nợ thu hồi được thì chủ nợ có quyền yêu cầu Tổ quản lý, thanh lý tài sản hoặc cơ quan thi hành án tiếp tục phân chia tài sản theo phương án phân chia tài sản đã được ghi trong quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản của Tòa án.

- Nếu quá 3 năm kể từ ngày Tòa án ra quyết định tuyên bố DN, HTX bị phá sản mà vẫn còn khoản nợ chưa thu hồi được cho DN, HTX thì Tòa án vẫn ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản.

- Trong thời hạn 10 năm kể từ khi Tòa án ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản, nếu phát hiện tài sản hoặc khoản nợ phải thu của DN, HTX có điều kiện thu hồi thì chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án khôi phục thủ tục thanh lý tài sản và tiếp tục phân chia tài sản cho các chủ nợ theo phương án phân chia đã ghi trong quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản[7].

Có ý kiến khác cho rằng, sau khi bán hết tài sản, mặc dù còn một số tiền nợ chưa thu được của những người mắc nợ DN, HTX bị phá sản, Tòa án vẫn quyết định tuyên bố phá sản. Trong quyết định tuyên bố phá sản Tòa án sẽ ghi rõ số nợ phải thu còn lại mà Tòa án đã ra Quyết định thu hồi nợ. Cơ quan thi hành án tiếp tục thực hiện việc thu hồi nợ theo quyết định tuyên bố phá sản và sẽ phân chia cho các chủ nợ theo tỷ lệ đã có tại Quyết định phân chia tài sản ban đầu.

 

Thứ hai, cần quy định cụ thể hơn về nghĩa vụ tài sản sau khi có quyết định tuyên bố DN, HTX bị phá sản.

Có ý kiến đề nghị sửa đổi Điều 90 Luật Phá sản về nghĩa vụ về tài sản sau khi có quyết định tuyên bố DN, HTX bị phá sản theo hướng chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh không được miễn trừ nghĩa vụ tài sản đối với chủ nợ chưa được thanh toán nợ, nếu trì hoãn việc làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà không có lý do chính đáng; có hành vi tẩu tán, huỷ hoại, sử dụng hoang phí tài sản trước và sau khi Toà án thụ lý đơn yêu cầu giải quyết phá sản; vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin, nghĩa vụ hợp tác với Toà án, Hội nghị chủ nợ, Tổ quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết vụ phá sản; đã được hưởng quy chế giải phóng nợ trong một vụ phá sản khác trong thời hạn 5 năm trước ngày Toà án thụ lý đơn yêu cầu giải quyết việc phá sản.

5. Một số vấn đề khác

Bên cạnh các vấn đề nêu trên, Luật Phá sản cũng cần có quy định về một số vấn đề khác như:

Thứ nhất, bổ sung quy định cụ thể hậu quả pháp lý của việc đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản trong trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản rút đơn yêu cầu theo quy định tại Điều 67 Luật Phá sản.

Thứ hai, bổ sung quy định trong trường họp có người tham gia Hội nghị chủ nợ vắng mặt, thì Tòa án tiếp tục giải quyết các vụ án đã bị đình chỉ do mở thủ tục phá sản.

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

I. Văn bản pháp luật:

1.       Luật Phá sản doanh nghiệp ngày 30/12/1993 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/1994).

2.       Luật Phá sản ngày 15/6/2004 (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2004).

3.       Nghị quyết số 03/2005/NQ-TANDTC ngày 28/4/2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Phá sản.

4.       Nghị định số 94/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/7/2005 về giải quyết quyền lợi của người lao động ở doanh nghiệp và hợp tác xã bị phá sản.

5.       Nghị định số 67/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/7/2006 hướng dẫn việc áp dụng Luật Phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt và tổ chức, hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản.

6.       Nghị định số 114/2008/NĐ-CP ngày 03/11/2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phá sản đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính khác.

7.       Nghị định số 10/2009/NĐ-CP ngày 06/02/2009 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản.

8.       10. Nghị định số 05/2010/NĐ-CP ngày 18/01/2010 của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật Phá sản đối với các tổ chức tín dụng.

9.       Thông tư liên tịch số 19/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 19/02/2008 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp về hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự và Tổ quản lý, thanh lý tài sản của DN,HTX lâm vào tình trạng phá sản.

10.    Quyết định số 01/2005/QĐ-TANDTC ngày 27/4/2005 của Chánh án TANDTC về Quy chế làm việc của Thẩm phán phụ trách tiến hành thủ tục phá sản.

 

II. Công trình nghiên cứu:

1.       PGS. TS. Dương Đăng Huệ và Ths. Nguyễn Thanh Tịnh (2008), “Thực trạng pháp luật về phá sản và việc hoàn thiện môi trường pháp luật kinh doanh tại Việt Nam”, Bộ Tư pháp, Công trình nghiên cứu cấp bộ.

2.       Thu Hà và Hoài Văn (2012), “Gần 10 năm thực hiện Luật Phá sản - nhiều vướng mắc, bất cập”, www.baomoi.com.

3.       Nguyễn Công Lực (2012), “Thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục Phá sản đối với doanh nghiệp vắng người đại diện hợp pháp”, Tạp chí Tòa án nhân dân số 23, Tr.7-8.

4.       Trần Thị Tâm và Đặng Thu Hà (2013), “Một số ý kiến về thủ tục Phá sản của Luật Phá sản hiện hành và kiến nghị hoàn thiện”, Tạp chí Tòa án nhân dân số 4, Tr.25-32 và số 5, Tr. 23-32.

5.       Hà Thị Thanh (2012), “Một số bất cập của Luật Phá sản doanh nghiệp năm 2004”, liendoanluatsu.org.vn.

6.       Thái Nguyên Toàn (2011), “Luật Phá sản nhiều bất cấp”, luathoangminh.com.

7.       La Minh Tường (2012), “Những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Phá sản”, Tạp chí Tòa án nhân dân số 15, Tr.11-12.

8.       Tòa án nhân dân tối cao (2013), “Báo cáo tổng kết thi hành Luật Phá sản năm 2004”.

9.       TS. Nguyễn Thanh Thủy (2013), “Những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp kiến nghị sửa đổi Luật Phá sản năm 2004”, Tạp chí Tòa án nhân dân số 16, Tr.26-35.

Các tin khác

Xem tiếp
nothing