Đánh giá

Trần Mạnh Xuyền

Giám Đốc
Quản tài viên
Luật sư - Thạc sĩ

Đánh giá

Phùng Thị Lan Phương

Chủ tịch Hội đồng Thành viên
Quản tài viên
Luật sư - Thạc sĩ

Video clips
Liên kết website
Dự báo thời tiết
Thống kê
 
Bài viết

Khái niệm Tranh chấp trong kinh doanh

Tranh chấp kinh tế là những bất đồng giữa các chủ thể phát sinh trong quá trình thực hiện nghĩa vụ của mình. Nó là những tranh chấp nảy sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Khái niệm Tranh chấp trong kinh doanh

Khái niệm tranh chấp trong kinh doanh

Tranh chấp kinh tế là những bất đồng giữa các chủ thể phát sinh trong quá trình thực hiện nghĩa vụ của mình. Nó là những tranh chấp nảy sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Yêu cầu của việc giải quyết tranh chấp trong kinh doanh

  • Nhanh chóng và dứt khoát hạn chế tối đa sự gián đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh.
  • Đảm bảo dân chủ trong quá trình giải quyết tranh chấp
  • Bảo vệ uy tín của các bên trên thương trường
  • Đảm bảo các yếu tố bí mật trong kinh doanh
  • Đạt hiệu quả thi hành cao nhằm bảo vệ một cách có hiệu quả lợi ích hợp pháp của các bên.

Các hình thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh

Thương lượng

Là hình thức giải quyết tranh chấp thường không cần đến vai trò tác động của bên thứ 3.

Đặc điểm cơ bản của hình thức giải quyết tranh chấp này là các bên cùng nhau bàn bạc, thoả thuận để tự giải quyết các bất đồng.

Hoà giải

Là hình thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ 3 đóng vai trò làm trung gian để hỗ trợ hoặc thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm chấm dứt xung đột hoặc bất hoà. Cũng như thương lượng hoà giải là giải pháp tự nguyện tuỳ thuộc vào sự lựa chọn của các bên tham gia tranh chấp.

Giải quyết tranh chấp kinh tế bằng trọng tài

Là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của trọng tài với tư cách là bên thứ 3 độc lập nhằm chấm dứt xumg đột bằng việc đưa ra một phán quyết buộc các bên tham gia tranh chấp phải thực hiện

Giải quyết tranh chấp kinh tế bằng toà án

Là hình thức giải quyết tranh chấp do cơ quan toà án của nhà nước thực hiện.

Thông thường thì hình thức giải quyết tranh chấp thông qua toà án được tiến hành khi mà việc áp dụng biện pháp thương lượng hoặc hoà giải không có hiệu quả và các bên tranh chấp cũng không thoả thuận đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài.

Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thông qua tòa án

Khái niệm vụ án kinh tế

Vụ án kinh tế là những tranh chấp kinh tế do 1 trong các bên khởi kiện ra toà án để yêu cầu toà án bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Cơ cấu tổ chức và thẩm quyền của toà án trong việc giải quyết các vụ án kinh tế

Cơ cấu tổ chức của toà án

 

Cơ cấu tổ chức của tòa án

 

 

  • ở trung ương :Trong toà án nhân dân tối cao bên cạnh toà phúc thẩm , toà hình sự, toà dân sự ... có toà kinh tế là một trong các toà chuyên trách có nhiệm vụ giải quyết các vụ án kinh tế. Trong Toà phúc thẩm của toà án NDTC có các thẩm phán kinh tế chuyên trách để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm những vụ án kinh tế và giải quyết khiếu nại đối với quyết định của toà án cấp dưới về tuyên bố phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật
  • ở địa phương: Chỉ có toà án nhân dân cấp tỉnh mới có toà kinh tế chuyên trách còn ở toà án nhân dân cấp huyện không có toà kinh tế chuyên trách mà chỉ có thẩm phán kinh tế chuyên trách giải quyết các vụ án kinh tế.

Thẩm quyền của toà án trong việc giải quyết các vụ án kinh tế

Thẩm quyền của toà án trong việc giải quyết các vụ án kinh tế có thể phân thành:

  • Thẩm quyền theo cấp
  • Thẩm quyền theo lãnh thổ
  • Thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn

Thẩm quyền của toà án theo cấp được quy định như sau

  • Thẩm quyền của toà án nhân dân cấp huyện : Toà án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án về tranh chấp hợp đồng kinh tế mà giá trị tranh chấp dưới 50 triệu đồng và không có nhân tố nước ngoài.
  • Thẩm quyền của toà án nhân dân cấp Tỉnh:
    • Toà kinh tế thuộc toà án nhân dân cấp Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét xử theo thủ tục
      • sơ Thẩm những vụ án kinh tế trừ những vụ án thuộc thẩm quyền của toà án nhân dân cấp huyện ( trong trường hợp cần thiết thì toà kinh tế toà án nhân dân cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết vụ án kinh tế thuộc thẩm quyền của toà án nhân dân cấp huyện.
      • Phúc thẩm những vụ án kinh tế mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của toà án cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị thep quy định của pháp luật tố tụng.
    • Uỷ ban thẩm phán của toà án cấp tỉnh xem xét giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định của toà án nhân dân cấp huyện bị kháng nghị .
  • Thẩm quyền của toà án nhân dân tối cao

    Toà án nhân dân tối cao không xét xử sơ thẩm bất kỳ một vụ án kinh tế nào mà chỉ xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

    • Phúc thẩm là việc tòa án nhân dân cấp trên xem xét lại bản án và quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của toà án nhân dân cấp dưới khi có kháng cáo hoặc kháng nghị theo quy định của pháp luật.
    • Giám đốc thẩm: Là giai đoạn đặc biệt của tố tụng kinh tế trong đó toà án cấp trên kiểm tra tính hợp pháp, tính có căn cứ của những bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án cấp dưới trên cơ sở kháng nghị của người có thẩm quyền.
    • Tái thẩm kinh tế là một giai đoạn tố tụng đặc biệt trong đó toà án cấp trên kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án cấp dưới nếu phát hiện những tình tiết mới quan trọng làm thay đổi nội dung của vụ án trên cơ sở kháng nghị của người có thẩm quyền.

Thẩm quyền của toà án theo lãnh thổ

Toà có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ án kinh tế là toà án nơi bị đơn có trụ sở hoặc cư trú.

Trong trường hợp vụ án chỉ liên quan đến bất động sản thì toà án nơi có bất động sản giải quyết.

Thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn

Nguyên đơn có quyền lựa chọn toà án để yêu cầu giải quyết vụ án trong một số trường hợp.

  • Không biết rõ trụ sở hoặc nơi cư trú của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu toà án nơi có tài sản, trụ sở hoặc nơi cư trú cuối cùng của bị đơn để giải quyết vụ án.
  • Nếu vụ án phát sinh do vi phạm hợp đồng kinh tế thì nguyên đơn có thể yêu cầu toà án nơi thực hiện hợp đồng giải quyết vụ án.
  • Nếu vụ án phát sinh từ hoạt động của chi nhánh doanh nghiệp thì nguyên đơn có thể yêu cầu toà án nơi doanh nghiệp có trụ sở hoặc nơi có chi nhánh đó giải quyết vụ án.
  • Nếu các bị đơn có trụ sở hoặc nơi cư trú khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu toà án nơi có trụ sở hoặc nơi cư trú của một trong các bị đơn giải quyết vụ án.
  • Nếu vụ án không chỉ liên quan đến bất động sản thì nguyên đơn có thể yêu cầu toà án nơi có bất động sản nơi có trụ sở hoặc cư trú của bị đơn giải quyết vụ án.
  • Nếu vụ án liên quan đến bất động sản ở nhiều nội dung khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu toà án ở một trong các nơi đó giải quyết vụ án.

Trong các trường hợp trên nguyên đơn chọn toà án nào thì toà án đó có thẩm quyền giải quyết vụ án.

Các nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết các vụ án kinh tế

Nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự

Thể hiện:

  • Các bên tranh chấp có quyền tự định đoạt lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp thích ứng. Toà án chỉ tham gia giải quyết nếu các đương sự yêu cầu
  • Các bên có thể uỷ quyền cho luật sư hoặc nơi người khác thay mặt mình mà không cần trực tiếp phải tham gia tố tụng.
  • Các bên có quyền tự hoà giải trước toà, rút đơn kiện, thay đổi nội dung khởi kiện, quyền đề xuất bổ sung chứng cứ...

Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật

 

Nguyên tắc toà án không tiến hành điều tra mà chỉ xác minh, thu nhập chứng cứ

Khi giải quyết các vụ án kinh tế, toà án chủ yếu căn cứ vào các chứng cứ mà đương sự có nghĩa vụ cung cấp và chứng minh để bảo vệ quyền lợi của mình. Trong trường hợp quyền lợi bị vi phạm mà đương sự không yêu cầu toà án giải quyết thì toà không có trách nhiệm giải quyết.

Nguyên tắc hoà giải

Khi có tranh chấp các đương sự tự hoà giải với nhau khi không hoà giải được mới yêu cầu toà án can thiệp. Ngay cả khi đương sự yêu cầu toà án giải quyết các đương sự cũng vẫn có quyền hoà giải. Trong quá trình giải quyết vụ án toà án có trách nhiệm tiến hành hoà giải để các bên thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Chỉ khi nào toà không thể hoà giải được mới cần đưa ra phán quyết.

Nguyên tắc giải quyết vụ án kinh tế nhanh chóng kịp thời

 

Nguyên tắc xét xử công khai

Xét xử công khai là một trong những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của toà án. Việc xét xử các vụ án kinh tế cũng phải tuân theo nguyên tắc này. Nhưng trong một số trường hợp nhất định các vụ án kinh tế có thể được xét xử kín.

Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế

Khởi kiện và thụ lý vụ án kinh tế

Khởi kiện

Pháp luật quy định: quyền khởi kiện một vụ án là quyền của cá nhân hoặc pháp nhân có đủ tư cách của một chủ thể kinh doanh và có quyền và lợi ích hợp pháp bị tranh chấp hoặc bị xâm phạm.

Để khởi kiện vụ án kinh tế, người khởi kiện phải làm đơn yêu cầu toà án giải quyết vụ án kinh tế trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày phát sinh tranh chấp. Nếu quá thời hạn trên đương sự mất quyền khởi kiện.

Kèm theo đơn kiện phải có các tài liệu chứng minh cho các yêu cầu của nguyên đơn.

Toà bác đơn kiện trong các trường hợp sau:

  • Người khởi kiện không có quyền khởi kiện.
  • Thời hạn khởi kiện đã hết.
  • Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lựcpháp luật của toà án hoặc cuả cơ quan có thẩm quyền khác.
  • Sự việc đã được các bên thoả thuận trước là phải giải quyết theo thủ tục trọng tài.

Thụ lý vụ án

Là việc thẩm phán chấp nhận đơn của người khởi kiện và ghi vào sổ thụ lý vụ án của toà án để giải quyết.

Toà án sẽ thụ lý vụ án với những điều kiện sau:

  • Người khởi kiện có quyền khởi kiện.
  • Sự việc thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án.
  • Đơn kiện được gửi đúng thời hiệu khởi kiện.
  • Nguyên đơn đã nộp tạm ứng án phí.
  • Sự việc chưa được giải quyết bằng bản án hoặc có hiệu lực pháp luật của toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
  • Sự việc không được các bên thoả thuận trước là phải quyết theo thủ tục trọng tài.

Chuẩn bị xét xử

  • Sau khi thụ lý vụ án, toà kinh tế phải tiến hành chuẩn bị xét xử.
  • Thời hạn chuẩn bị xét xử là 40 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với các vụ án phức tạp thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 60 ngày.
  • Trong công tác chuẩn bị xét xử toà kinh tế phải tiến hành các công việc chủ yếu sau:
    • Thông báo việc kiện: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, toà án phải thông báo cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan biết nội dung đơn kiện.

      -

      Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được thông báo bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải gửi cho toà án ý kiến của mình bằng văn bản về đơn kiện và các tài liệu khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án.

    • Xác minh thu thập chứng cứ: Trong tố tụng kinh tế chứng cứ chủ yếu do đương sự cung cấp khi thực hiện nghĩa vụ chứng minh đồng thời là quyền chứng minh của mình. Tuy nhiên để đảm bảo việc xét xử vụ án kinh tế được chính xác toà án có thể tiến hành thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ các tình tiết cuả vụ án.
    • Hoà giải: Trước khi mở phiên toà giải quyết các vụ án kinh tế toà án phải tiến hành hoà giải để các đương sự có thể thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.

      Nếu đương sự thoả thuận được với nhau về giải quyết vụ án thì toà án lập biên bản hoà giải thành. Trong thời hạn 10 ngày mà các bên không thay đổi thì toà án ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự và quyết định này có hiệu lực pháp luật. Trường hợp các đương sự không thể thoả thuận được thì toà án lập biên bản hoà giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

  • Kết thúc giai đoạn chuẩn bị xét xử thẩm phán được phân công chủ toạ có quyền ra một trong những quyết định sau:
    • Đưa vụ án ra xét xử.
    • Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án.
    • Đình chỉ việc giải quyết vụ án

Toà quyết định tạm đình giải quyết vụ án trong các trường hợp sau

  • Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết, pháp nhân đã giải thể mà chưa có cá nhân pháp nhân thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng.
  • Đã hết thời hạn xét xử mà một trong các đương sự không thể có mặt vì lý do chính đáng.
  • Chưa tìm được địa chỉ của bị đơn hoặc bị đơn bỏ trốn.
  • Cần đợi kết quả giải quyết vụ án hình sự, dân sự và vụ án kinh tế khác.
  • Đã có toà thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp mà doanh nghiệp đó là đương sự của vụ án.
  • Trong khi đang giải quyết vụ án có liên quan đến doanh nghiệp phát hiện doanh nghiệp đã lâm vào trình trạng phá sản.

Toà quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án trong các trường hợp sau:

  • Người khởi kiện rút đơn kiện.
  • Nguyên đơn dù được triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 mà vẫn vắng mặt.
  • Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết, pháp nhân đã giải thể mà quyền và nghĩa vụ của họ không có cá nhân ,pháp nhân thừa kế.
  • Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án hoặc của cơ quan có thẩm quyền khác nhau.
  • Thời hạn khởi kiện đã hết trước ngày thụ lý vụ án.
  • Sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của toà.
  • Đã có quyết định của toà án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp mà doanh nghiệp đó là đương sự của vụ án.

Phiên toà sơ thẩm

  • Theo quyết định của pháp luật, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, toà án phải mở phiên toà trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn đó không quá 20 ngày.
  • Phiên toà sơ thẩm được tiến hành dưới sự điều hành của một Hội đồng xét xử gồm 2 thẩm phán và 1 hội thẩm và với sự có mặt của các đương sự người làm chứng, người phiên dịch, người giám định và kiểm soát viên (nếu Viện kiểm soát có yêu cầu kiểm tra phiên toà).
  • Thủ tục tiến hành:
    • Bắt đầu phiên toà.
    • Xét hỏi tại phiên toà.
    • Tranh luận tại phiên toà.
    • Nghị án.
    • Tuyên án.
    • Hoàn chỉnh biên bản phiên toà.

Thủ tục phúc thẩm

Phúc thẩm vụ án kinh tế là việc toà án cấp trên xem xét lại bản án, quyết định sơ thẩm của toà án cấp dưới chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quyết định của pháp luật.

Đương sự hoặc người đại diện đương sự có quyền kháng cáo đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Thời hạn kháng cáo là 10 ngày kể từ ngày toà án tuyên án hoặc ra quyết định .

Viện trưởng Viện kiểm soát cùng cấp hoặc trên một cấp có quyền kháng nghị, thời hạn kháng nghị là 10 ngày (đối với Viện kiểm soát cùng cấp) hoặc 20 ngày (đối với Viện kiểm soát cấp trên) kể từ ngày toà tuyên án hoặc ra quyết định.

Thủ tục xem xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật

Giám đốc thẩm

Thẩm quyền giám đốc thẩm bao giờ cũng thuộc về toà án cấp trên trực tiếp của toà án đã ra bản án, quyết định xét xử giám đốc thẩm.

Cụ thể:

  • Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân cấp Tỉnh giám đốc thẩm những vụ án, bản án đã có hiệu lực của Toà án nhân dân cấp huyện bị kháng nghị.
  • Toà kinh tế - Toà án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà thuộc toà án nhân dân tối cao bị kháng nghị.
  • Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các toà thuộc toà án nhân dân tối cao bị kháng nghị.
  • Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giám đôc thẩm những vụ án , quyết định của uỷ ban thẩm phán toà án nhân dân tối cao bị kháng nghị.

Khách thể của quyền kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm: Những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án cấp dưới trên cơ sở kháng nghị của những người có thẩm quyền.

Căn cứ để kháng nghị:

  • Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng
  • Kết luận trong bản án quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.
  • Các sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật

Những người sau đây có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

  • Chánh án tòa án tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án các cấp.
  • Phó chánh án tòa án tối cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án nhân dân địa phương
  • Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng VKS nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án nhân dân cấp huyện

Thời hạn kháng nghị là 9 tháng kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật

Hội đồng xét xử có quyền:

  • Bác kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nếu thấy rằng kháng nghị không có căn cứ.
  • Sửa đổi một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
  • Huỷ bản án, quyết định bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại trong trường hợp có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, hoặc việc xác minh thu thập chứng cứ của toà án cấp dưới không đầy đủ mà toà án cấp giám đốc thẩm không thể bổ sung được.
  • Huỷ bản án, quyết định bị kháng nghị và đình chỉ việc giải quyết vụ án theo những căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án kinh tế.

Thủ tục tái thẩm

Khách thể của quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm: Là Những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án cấp dưới trên cơ sở kháng nghị của những người có thẩm quyền.

Căn cứ để kháng nghị:

  • Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự không thể biết được khi giải quyết vụ án.
  • Có cơ sỏ để chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch là không đúng sự thật hoặc có sự giả mạo bằng chứng.
  • Người tiến hành tố tụng cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án.
  • Bản án, quyết định của toà án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà toà án dựa vào đó để giải quyết vụ án bị huỷ bỏ.

Người có thẩm quyền kháng nghị:

  • Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án các cấp.
  • Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng VKS nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của toà án nhân dân cấp huyện

Thẩm quyền xét xử theo thủ tục tái thẩm: Giống như thủ tục giám đốc thẩm.

Hội đồng xét xử có quyền:

  • Giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
  • Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại.
  • Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ việc giải quyết vụ án theo những căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án kinh tế.

Giải quyết tranh chấp kinh doanh thông qua trọng tài

Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thông qua trọng tài kinh tế

Trọng tài kinh tế

  • Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp kinh tế theo quyết định của pháp luật.
  • Trọng tài kinh tế được tổ chức dưới hình thức trung tâm trọng tài kinh tế.
  • Trung tâm trọng tài kinh tế có chủ tịch và phó chủ tịch do các trọng tài viên của trung tâm bầu ra.
  • Trung tâm trọng tài kinh tế chỉ được thành lập khi có ít nhất 5 trọng tài viên là sáng lập viên.

Thẩm quyền của trọng tài kinh tế

  • Giải quyết các tranh chấp
    • Phát sinh ở hợp đồng kinh tế giữa :
      • Pháp nhân với pháp nhân
      • Pháp nhân với Doanh nghiệp tư nhân
      • Doanh nghiệp tư nhân với Doanh nghiệp tư nhân
      • Doanh nghiệp tư nhân với cá nhân kinh doanh
    • Phát sinh giữa công ty với các thành viên của công ty và giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể công ty.
    • Các tranh chấp liên quan đến việc mua bán cổ phiếu, trái phiếu
  • Thẩm quyền của trọng tài kinh tế không được xác lập theo vùng lãnh thổ cho nên về nguyên tắc các bên có quyền lựa chọn bất kỳ trung tâm nào để giải quyết tranh chấp không phụ thuộc vào nơi đặt trụ sở hoặc nơi cư trú của các bên.

Tố tụng trọng tài kinh tế

  • Trọng tài chỉ " Xét xử" 1 lần
  • Tố tụng trọng tài kinh tế không quy định nguyên tắc xét xử công khai như toà án mà xét xử bí mật chỉ những người được mời mới được tham dự phiên họp.
  • Tố tụng trọng tài không theo nguyên tắc xét xử tập thể mà bằng 1 trọng tài viên do đương sự lựa chọn
  • Việc giải quyết tranh chấp kinh tế theo tố tụng bao gồm các giai đoạn sau:
    • Nguyên đơn gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến một trung tâm trọng tài kinh tế kèm theo văn bản thoả thuận của các bên về việc đưa vụ tranh chấp ra giải quyết ở trung tâm trọng tài kinh tế đó. (Trung tâm trọng tài kinh tế chỉ nhận đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp nếu trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp các bên đã có thoả thuận bằng văn bản về việc đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại chính trung tâm trọng tài kinh tế đó).
    • Trong một thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, thư ký trung tâm trọng tài kinh tế phải gửi bản sao đơn yêu cầu của nguyên đơn và danh sách trọng tài viên cho bị đơn đồng thời ấn định thời hạn bị đơn phải gửi văn bản trả lời cho trung tâm trọng tài kinh tế.

      Trong trường hợp vụ tranh chấp do một hội đồng trọng tài giải quyết thì mỗi bên chọn một trọng tài viên và 2 trọng tài viên sẽ chọn một trọng tài viên thứ 3 làm chủ tịch Hội đồng trọng tài nếu các trọng tài viên do các bên chỉ định không chọn được trọng tài viên thứ 3 thì chủ tịch trung tâm sẽ chỉ định

      Trong trường hợp các bên thoả thuận vụ tranh chấp do một trọng tài viên giải quyết thì hai bên thông báo thuận chọn một trọng tài viên nếu không thoả thuận được sẽ do chủ tịch trung tâm chỉ định.

    • Trọng tài viên tiến hành các công việc cần thiết cho việc giải quyết tranh chấp như nghiên cứu hồ sơ, nghe các bên trình bày, trưng cầu giám định ..
    • Tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp.
    • Việc giải quyết vụ tranh chấp được kết thúc bằng quyết định

Hiệu lực của phán quyết

Quyết định giải quyết của hội đồng trọng tài hoặc của trọng tài viên có hiệu lực thi hành không bị kháng cáo, kháng nghị nhưng trong trường hợp quyết định trọng tài không được một bên chấp hành thì bên kia có quyền yêu cầu toà án nhân dân có thẩm quyền xét xử theo thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế.

Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thông qua trọng tài kinh tế quốc tế

Trọng tài kinh tế quốc tế

  • Là một bộ phận đặt bên cạnh phòng công nghiệp thương mại Việt Nam (VCCI) được thành lập trên cơ sở sát nhập giữa hội đồng trọng tài ngoại thương và hội đồng trọng tài hàng hải
  • Quy chế hoạt động của trọng tài Quốc tế do VCCI phê chuẩn về cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế
  • Trung tâm trọng tài quốc tế là 1 tổ chức phi lợi nhuận. Trọng tài viên bao gồm những người (kể cả người nước ngoài) có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật, ngoại thương, đầu tư tài chính, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm và những lĩnh vực khác do VCCI chọn với nhiệm kỳ 4 năm.
  • Hiện nay ở Việt Nam mới có 1 trung tâm duy nhất tại Hà Nội.

Thẩm quyền

Trung tâm trọng tài quốc tế có thẩm quyền

Giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các quan hệ kinh tế quốc tế như tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng mua bán ngoại thương, các hợp đồng đầu tư, du lịch, vận tải và bảo hiểm quốc tế, chuyển giao công nghệ, tín dụng và thanh toán quốc tệ khi mà một hay các bên đương sự là thể nhân hay pháp nhân nước ngoài

Giải quyết các tranh chấp phát sinh từ những quan hệ trong nước nếu các bên đương sự thoả thuận đưa ra trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam để giải quyết. (Trung tâm trọng tài quốc tế được mở rộng thêm thẩm quyền này theo quyết định số 144/TTg ngày 16/2/96

Nguyên tắc tố tụng

  • Nguyên tắc tự do định đoạt : Nguyên tắc này thể hiện các bên đương sự có quyền tự do lựa chọn
    • Trọng tài viên: Mỗi bên đương sự được quyền chọn một hoặc đề nghị chủ tịch Trung tâm trọng tài chọn hộ một trọng tài viên trong danh sách trọng tài viên của trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. 2 trọng tài viên do 2 bên đương sự thống nhất chọn trọng tài viên thứ 3. Ba trọng tài viên được chọn hợp thành uỷ ban trọng tài trong đó trọng tài viên thứ 3 làm chủ tịch. Trong trường hợp 2 trọng tài viên được lựa chọn không thống nhất được với nhau về việc chọn trọng tài viên thứ 3 thì chủ tịch trung tâm trọng tài quốc tế sẽ chỉ định. Các bên đương sự cũng có thể thống nhất chọn một trọng tài viên hoặc đề nghị chủ tịch trung tâm trọng tài quốc tế chỉ định một trọng tài viên đứng ra giải quyết vụ tranh chấp. Trong trường hợp này trọng tài viên duy nhất được chọn thực hiện nhiệm vụ như 1 uỷ ban trọng tài
    • lựa chọn ngôn ngữ, địa điểm
  • Nguyên tắc đảm bảo sự độc lập của trọng tài viên trong hoạt động xét xử

    Việc thực hiện nguyên tắc này nhằm đảm bảo tính khách quan trong toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp. Nội dung của nguyên tắc này thể hiện trên 2 khía cạnh:

    • Không có bất cứ ai có quyền can thiệp vào hoạt động của trọng tài viên
    • Các trọng tài viên hoàn toàn bình đẳng với nhau trong hoạt động xét xử.

Hiệu lực của phán quyết

Kết quả giải quyết tranh chấp có thể là một thoả thuận hoà giải hoặc 1 phán quyết trọng tài. Phán quyết của trọng tài quốc tế là chung thẩm không thể kháng cáo trước bất cứ Toà án hay tổ chức nào khác. Các bên phải tự nguyện thi hành trong thời hạn được quy định trong phán quyết. Nếu phán quyết không được tự nguyện thi hành trong thời hạn được quy định thì sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

nothing