Đánh giá

Trần Mạnh Xuyền

Giám Đốc
Quản tài viên
Luật sư - Thạc sĩ

Đánh giá

Phùng Thị Lan Phương

Chủ tịch Hội đồng Thành viên
Quản tài viên
Luật sư - Thạc sĩ

Video clips
Liên kết website
Dự báo thời tiết
Thống kê
 
Nghề Quản Tài Viên

Quản tài viên cần am hiểu kiến thức quản trị kinh doanh

Một trong những nội dung quan trọng của Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) đang được Tòa án nhân dân tối cao (TAND TC) xây dựng là việc đổi chế định tổ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã(HTX) khi lâm vào tình trạng phá sản thành chế định quản tài viên.
Quản tài viên cần am hiểu kiến thức quản trị kinh doanh
Theo đó, một nghề hoặc chức danh mới là "quản tài viên" (hay người quản lý tài sản phá sản) dự kiến sẽ ra đời khi Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII sắp tới. Đây được đánh giá là quy định mới, đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và thu kết quả khả quan. Tuy nhiên, xung quanh quy định về quản tài viên hiện vẫn còn nhiều quan điểm tranh luận.
Tại hội thảo lấy ý kiến về một số nội dung của Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) do đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội (QH TP Hà Nội) phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TAND TC tổ chức ngày 5-3, Phó Chánh án TAND TC Nguyễn Sơn cho biết, Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) trao cho người quản lý tài sản phá sản (QLTSPS) rất nhiều nhiệm vụ quyền hạn, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là hỗ trợ DN, HTX mất khả năng thanh toán xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh. Việc đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn cần có đối với người quản lý tài sản phá sản vì vậy hết sức cần thiết để Dự án Luật Phá sản không bị “phá sản” ngay từ khâu ban hành luật.
Thực tiễn thi hành Luật Phá sản 2004 cho thấy, tổ quản lý, thanh lý tài sản (gồm một chấp hành viên của cơ quan thi hành án cùng cấp làm tổ trưởng, một cán bộ của tòa án; một đại diện chủ nợ và đại diện hợp pháp của DN, HTX bị mở thủ tục phá sản) đóng vai trò rất quan trọng trong quy trình giải quyết thủ tục phá sản, đặc biệt là giai đoạn xử lý tài sản. Đây cũng được xem là một trong những nhân tố có tính quyết định trong sự thành bại của việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản của DN lâm vào tình trạng phá sản. Tuy nhiên, hoạt động của tổ quản lý, thanh lý tài sản trên thực tế còn nhiều hạn chế. Việc phải thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm khiến hầu hết các thành viên đều tỏ ra lúng túng, bị động, hiệu quả công việc thấp. Đó là chưa kể đến việc chấp hành viên là người không đủ điều kiện, cơ sở để xác định hoạt động kinh doanh của DN lại làm tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản là không phù hợp. Do đó, Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) đề xuất giao cho “một người” đảm nhiệm công việc quản lý tài sản phá sản. Qua đó, một mặt khắc phục được cơ chế phối hợp kiêm nhiệm, giảm bớt cồng kềnh bộ máy của tòa án, cơ quan thi hành án, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính; mặt khác nhằm tương thích với quy định pháp luật quốc tế.
Theo quan điểm của ông Bùi Văn Mai, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) , không ai khuyến khích DN phá sản để phát triển “nghề” quản lý tài sản phá sản cả. Do đó, không nên đưa ra các tiêu chí đối với QLTSPS như một nghề độc lập. Trên thực tế, những người được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề QLTSPS như luật sư, kiểm toán viên đều đã được kiểm soát chặt chẽ, được ràng buộc với các tiêu chuẩn của nghề luật sư, kiểm toán… Do đó, đối với QLTSPS có thể tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề theo một cách thức đơn giản.
Khẳng định chế định quản tài viên là bước đột phá trong giải quyết tài sản phá sản, bà Lê Thị Hà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, để người QLTSPS đáp ứng được những “kỳ vọng” đặt ra cần rất nhiều yếu tố. Ngoài những đòi hỏi về kiến thức về luật pháp thì sự am hiểu về lĩnh vực kinh tế, tài chính kế toán, quản trị kinh doanh của người QLTSPS đóng vai trò hết sức quan trọng để làm sao hỗ trợ hiệu quả cho DN phát triển sản xuất kinh doanh. “Điều này thì không phải luật sư nào cũng đáp ứng được. Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là người nào được cấp thẻ luật sư có thể đều nghiễm nhiên được cấp thẻ quản tài viên hay là cùng với điều kiện này thì phải đáp ứng thêm các điều kiện khác nữa. Và câu hỏi này Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) cần có sự nghiên cứu trả lời rõ ràng, cụ thể”, bà Hà nhấn mạnh.
 
Theo Báo điện tử Pháp luật và Xã hội
nothing